– Căn cứ Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ số 55/2024/QH15 ngày 29/11/2024;
– Căn cứ Nghị định số 105/2025/NĐ-CP ngày 15/5/2025 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (sau đây viết gọn là Nghị định số 105/2025/NĐ-CP).
– Căn cứ Nghị định số 175/2024/NĐ-CP ngày 30/12/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật xây dựng về quản lý hoạt động xây dựng
– Căn cứ Nghị định số 140/2025/NĐ-CP ngày 12/6/2025 của Chính phủ quy định về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương 02 cấp trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.
– Căn cứ Nghị định số 144/2025/NĐ-CP ngày 12/6/2025 của Chính phủ quy định về phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.
Từ ngày 01/7/2025, việc thẩm định thiết kế, kiểm tra công tác nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy (PCCC) đối với dự án đầu tư xây dựng công trình, công trình được thực hiện như sau:
Trụ sở Bộ Công An (Hình từ Internet)
1. YÊU CẦU VỀ PCCC KHI THIẾT KẾ ĐỐI VỚI DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH, CÔNG TRÌNH
Theo quy định tại Điều 16 Luật PCCC và CNCH, khi lập, điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình, thiết kế công trình, cải tạo, thay đổi công năng sử dụng công trình phải có giải pháp, thiết kế về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với công năng, đặc điểm của công trình và bảo đảm các yêu cầu sau đây:
– Khoảng cách phòng cháy, chữa cháy;
– Đường bộ, bãi đỗ, khoảng trống phục vụ hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ;
– Giải pháp thoát nạn;
– Dự kiến bậc chịu lửa, giải pháp ngăn cháy, chống cháy lan;
– Giải pháp chống khói;
– Hệ thống điện phục vụ phòng cháy và chữa cháy;
– Phương tiện, hệ thống phòng cháy và chữa cháy.
2. THẨM ĐỊNH THIẾT KẾ VỀ PCCC
Dự án đầu tư xây dựng công trình, công trình thuộc Danh mục quy định tại Phụ lục III Nghị định số 105/2025/NĐ-CP khi xây dựng mới hoặc điều chỉnh thiết kế hoặc thay đổi công năng, cải tạo trong quá trình sử dụng, phải thực hiện thẩm định thiết kế về PCCC.
2.1. Cơ quan chuyên môn về xây dựng: tổ chức thẩm định đối với dự án, công trình thuộc đối tượng phải thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở theo quy định của pháp luật về xây dựng và thuộc Phụ lục III kèm theo Nghị định số 105/2025/NĐ-CP theo các nội dung quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 1 Điều 16 Luật PCCC và CNCH và được quy định chi tiết tại khoản 2 và khoản 3 Điều 6 Nghị định số 105/2025/NĐ-CP.
Việc thẩm định thiết kế về PCCC của cơ quan chuyên môn về xây dựng thực hiện theo Văn bản số 5269/BXD-KTQLXD ngày 18/6/2025 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn, tổ chức thực hiện thẩm định nội dung thiết kế về PCCC của cơ quan chuyên môn về xây dựng theo quy định của pháp luật về Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (kèm theo)
2.2. Người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, chủ sở hữu công trình: tự thẩm định thiết kế về PCCC đối với các nội dung quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 1 Điều 16 Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho dự án đầu tư xây dựng công trình, công trình quy định tại Phụ lục III kèm theo Nghị định số 105/2025/NĐ-CP nhưng không thuộc thẩm quyền thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng. Việc thẩm định thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định số 105/2025/NĐ-CP, cụ thể như sau:
a) Đối với công trình thiết kế 1 bước (báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng): Người quyết định đầu tư tự thẩm định thiết kế về PCCC đối với các nội dung quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 1 Điều 16 Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng và quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định số 105/2025/NĐ-CP. Kết quả thẩm định được thực hiện theo Mẫu số PC13 kèm theo Nghị định số 105/2025/NĐ-CP.
b) Đối với công trình thiết kế từ 2 bước trở lên (thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công): Người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, chủ sở hữu công trình tự thẩm định thiết kế về PCCC quy định tại các điểm a, b, c, d và đ Khoản 1 Điều 16 của Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở không thuộc diện thẩm định dự án của cơ quan chuyên môn về xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng nhưng thuộc Phụ lục III kèm theo Nghị định số 105/2025/NĐ-CP. Kết quả thẩm định được thực hiện theo Mẫu số PC13 kèm theo Nghị định số 105/2025/NĐ-CP.
2.3. Cơ quan Công an: tổ chức thẩm định nội dung quy định tại điểm e và điểm g khoản 1 Điều 16 Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và được quy định chi tiết tại khoản 2 Điều 9 Nghị định số 105/2025/NĐ-CP đối với báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở của công trình quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định số 105/2025/NĐ-CP.
2.4. Cách thức nộp hồ sơ đề nghị thẩm định thiết kế về PCCC đối với thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở (thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công):
– Chủ đầu tư, chủ sở hữu công trình có thể nộp độc lập hồ sơ đề nghị thẩm định thiết kế về PCCC đến cơ quan chuyên môn về xây dựng và cơ quan Công an (mỗi cơ quan 1 bộ hồ sơ độc lập):
+ Tại cơ quan chuyên môn về xây dựng: hồ sơ đề nghị thẩm định thiết kế về PCCC thể hiện các nội dung quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 1 Điều 16 của Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được nộp tích hợp, lồng ghép với hồ sơ thực hiện thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở tại cơ quan chuyên môn về xây dựng; trình tự, thủ tục (số lượng hồ sơ, thời hạn giải quyết, cách thức nộp hồ sơ), thẩm quyền thực hiện theo quy định, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn về xây dựng.
+ Tại cơ quan Công an: nộp hồ sơ đề nghị thẩm định thiết kế về PCCC thể hiện các nội dung quy định tại điểm e và điểm g khoản 1 Điều 16 Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; trình tự, thủ tục (số lượng hồ sơ, thời hạn giải quyết, cách thức nộp hồ sơ), thẩm quyền thực hiện theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 105/2025/NĐ-CP.
Và Cơ quan chuyên môn về xây dựng, cơ quan Công an tổ chức thẩm định độc lập bảo đảm nội dung và trả kết quả theo quy định của Nghị định số 175/2024/NĐ-CP và Nghị định số 105/2025/NĐ-CP.
– Chủ đầu tư, chủ sở hữu công trình có thể nộp đồng thời hồ sơ đề nghị thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở của cơ quan chuyên môn về xây dựng và hồ sơ thẩm định thiết kế về PCCC của cơ quan Công an đối với công trình thuộc trường hợp phải thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở tại cơ quan chuyên môn về xây dựng và thuộc Phụ lục III kèm theo Nghị định số 105/2025/NĐ-CP; trình tự, thủ tục (số lượng hồ sơ, thời hạn giải quyết, cách thức nộp hồ sơ), thẩm quyền thực hiện theo quy định, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn về xây dựng và cơ quan Công an.
3. NGHIỆM THU, KIỂM TRA CÔNG TÁC NGHIỆM THU VỀ PCCC
3.1. Yêu cầu, đối tượng nghiệm thu về PCCC:
Chủ đầu tư, chủ sở hữu công trình có trách nhiệm tổ chức thi công, nghiệm thu công trình theo thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đã được thẩm định và phải đảm bảo quy định tại khoản 4 Điều 18 Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, cụ thể như sau:
– Công trình thuộc diện phải thẩm định thiết kế về PCCC sau khi tổ chức nghiệm thu về PCCC phải được cơ quan quản lý chuyên ngành (cơ quan chuyên môn về xây dựng, cơ quan Công an) kiểm tra công tác nghiệm thu về PCCC;
– Chỉ được đưa công trình, phần công trình, hạng mục công trình vào khai thác, sử dụng sau khi được cơ quan quản lý chuyên ngành chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.
3.2. Trách nhiệm kiểm tra công tác nghiệm thu về PCCC:
* Cơ quan chuyên môn về xây dựng: tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu về PCCC đối với công trình, phần công trình, hạng mục công trình đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định thiết kế về PCCC trước đó theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 17 của Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và thuộc đối tượng phải kiểm tra công tác nghiệm thu chất lượng công trình xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng;
* Cơ quan Công an: tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu về PCCC đối với công trình, phần công trình, hạng mục công trình đã được cơ quan Công an thẩm định thiết kế về PCCC trước đó theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 17 của Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
3.3. Cách thức nộp hồ sơ đề nghị kiểm tra công tác nghiệm thu về PCCC:
– Chủ đầu tư, chủ sở hữu công trình có thể nộp độc lập hồ sơ đề nghị kiểm tra công tác nghiệm thu về PCCC đến cơ quan chuyên môn về xây dựng và cơ quan Công an (mỗi cơ quan 1 bộ hồ sơ độc lập):
+ Tại cơ quan chuyên môn về xây dựng: hồ sơ đề nghị kiểm tra công tác nghiệm thu về PCCC theo nội dung quy định tại điểm a khoản 5 Điều 18 Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được nộp tích hợp, lồng ghép với hồ sơ đề nghị kiểm tra công tác nghiệm thu chất lượng công trình xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng; nội dung, trình tự, thủ tục (số lượng hồ sơ, thời hạn giải quyết, cách thức nộp hồ sơ), thẩm quyền thực hiện theo quy định của Nghị định số 06/2021/NĐ-CP và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn về xây dựng.
+ Tại cơ quan Công an: nộp hồ sơ đề nghị kiểm tra công tác nghiệm thu về PCCC theo nội dung quy định tại điểm c khoản 5 Điều 18 Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; trình tự, thủ tục (số lượng hồ sơ, thời hạn giải quyết, cách thức nộp hồ sơ), thẩm quyền thực hiện theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 105/2025/NĐ-CP và hướng dẫn của cơ quan Công an.
Và Cơ quan chuyên môn về xây dựng, cơ quan Công an tổ chức việc kiểm tra công tác nghiệm thu về PCCC độc lập bảo đảm nội dung và trả kết quả theo quy định của Nghị định số 06/2021/NĐ-CP và Nghị định số 105/2025/NĐ-CP.
– Chủ đầu tư, chủ sở hữu công trình có thể nộp đồng thời hồ sơ đề nghị kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng của cơ quan chuyên môn về xây dựng và hồ sơ đề nghị kiểm tra công tác nghiệm thu về PCCC của cơ quan Công an. Cơ quan chuyên môn về xây dựng chủ trì, phối hợp với cơ quan Công an kiểm tra công tác nghiệm thu về PCCC theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định số 105/2025/NĐ-CP và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn về xây dựng, cơ quan Công an.