Một số nhiệm vụ PCCC&CNCH của lực lượng CAND 🔊🔊

Bộ Công an ban hành Thông tư số 37/2025/TT-BCA, từ 1/7/2025, quy định về nhiệm vụ công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Công an nhân dân.

Trong đó, quy định chi tiết về công tác trực sẵn sàng chữa cháy, tổ chức chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; trực tiếp nhận và xử lý thông tin báo cháy, báo tình huống cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC, CNCH) và các lực lượng khác trong CAND.

TRỰC CHỈ HUY CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ

  • Thông tư quy định Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phân công 01 lãnh đạo phòng, 01 cán bộ thuộc Phòng Công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trực tại Trung tâm Thông tin chỉ huy của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
  • Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phân công 01 lãnh đạo Phòng, 01 chỉ huy Đội Công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trực tại trụ sở đơn vị.
  • Đội Chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực, Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên sông phân công 01 chỉ huy cấp đội trực tại trụ sở đơn vị.

TRỰC TIẾP NHẬN VÀ XỬ LÝ TIN BÁO CHÁY, TÌNH HUỐNG CỨU NẠN, CỨU HỘ

Trực tiếp nhận và xử lý thông tin báo cháy, báo tình huống cứu nạn, cứu hộ 24/24 giờ và được chia thành các ca trực. Giám đốc Công an cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế về lực lượng quyết định chia ca trực tiếp nhận và xử lý thông tin báo cháy, báo tình huống cứu nạn, cứu hộ bảo đảm nguyên tắc mỗi ca trực tại bộ phận tiếp nhận và xử lý thông tin báo cháy, báo tình huống cứu nạn, cứu hộ phải bố trí tối thiểu 02 cán bộ, chiến sĩ.

Bộ phận tiếp nhận và xử lý thông tin báo cháy, báo tình huống cứu nạn, cứu hộ bố trí tại:

  • Trung tâm Thông tin chỉ huy Công an cấp tỉnh (nếu có);
  • Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;
  • Đội Chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực, Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên sông;
  • Địa điểm khác do cấp có thẩm quyền quyết định.

Thông tin báo cháy, báo tình huống cứu nạn, cứu hộ được tiếp nhận: qua Hệ thống tổng đài tiếp nhận cuộc gọi từ số điện thoại 113, 114, 115; số điện thoại của các đơn vị Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; hệ thống Cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và truyền tin báo cháy; ứng dụng báo cháy; người dân báo trực tiếp; các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Nội dung thông tin báo cháy, báo tình huống cứu nạn, cứu hộ cần tiếp nhận:

  • Họ, tên, số điện thoại hoặc địa chỉ của người báo cháy, báo tình huống cứu nạn, cứu hộ;
  • Địa chỉ, thời gian phát hiện cháy, tai nạn, sự cố;
  • Loại hình xảy ra cháy, tai nạn, sự cố; quy mô đám cháy, tai nạn, sự cố; số lượng, tình trạng người bị mắc kẹt trong đám cháy, tai nạn, sự cố; nguy cơ cháy lan và các thông tin khác liên quan đến đám cháy, tai nạn, sự cố.

Hình minh hoạ

Trường hợp thông tin về vụ cháy, tai nạn, sự cố không thuộc phạm vi địa bàn được phân công thực hiện nhiệm vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, cán bộ, chiến sĩ trực tại bộ phận tiếp nhận và xử lý thông tin báo cháy, báo tình huống cứu nạn, cứu hộ phải báo ngay cho đơn vị được phân công thực hiện nhiệm vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ địa bàn đó; báo cáo chỉ huy đơn vị để huy động lực lượng, phương tiện đi chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ nếu khoảng cách từ nơi xảy ra cháy, tai nạn, sự cố đến đơn vị mình gần hơn đơn vị được phân công thực hiện nhiệm vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ hoặc sẵn sàng tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu chi viện, hỗ trợ. (*)

  • Cán bộ, chiến sĩ trực tiếp nhận và xử lý thông tin báo cháy, báo tình huống cứu nạn, cứu hộ có trách nhiệm quản lý và sử dụng thành thạo các thiết bị thông tin liên lạc, hệ thống Cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và truyền tin báo cháy; tiếp nhận, ghi chép đầy đủ thông tin báo cháy, báo tình huống cứu nạn, cứu hộ vào Sổ tiếp nhận và xử lý thông tin báo cháy, báo tình huống cứu nạn, cứu hộ theo Mẫu số 08 Phụ lục II kèm theo Thông tư này.
  • Cán bộ, chiến sĩ trực tiếp nhận và xử lý thông tin báo cháy, báo tình huống cứu nạn, cứu hộ khi tiếp nhận thông tin thực hiện theo quy định tại Điều 6 Thông tư này.

Ngoài ra, Thông tư này quy định chi tiết một số điều về hướng dẫn (**)  🚒🚒🚒

  • Xây dựng lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;
  • Thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;
  • Quản lý phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
  • Và các lực lượng khác trong Công an nhân dân; chế độ bồi dưỡng khi thực hiện huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và phương án cứu nạn, cứu hộ; khi chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ..

👇👇👇 Để xem nguồn được chia sẻ:

Phổ biến, giáo dục pháp luật – Văn bản Cổng TTĐT Bộ Công an

Tin tức nổi bật Cổng TTĐT Cục Cảnh sát PCCC và CNCH

  • Một số cách phun nước chữa cháy phổ biến của lực lượng chữa cháy Châu Âu, Mỹ và Nga
  • Hướng dẫn thực hiện quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy khi sử dụng vật liệu chèn bịt lỗ mở trong các bộ phận ngăn cháy
  • Chung kết Hội thi thể thao nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn cứu hộ năm 2025