Nghị định 68/2025/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 118/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Xử lý vi phạm hành chính

Nghị định số 68/2025/NĐ-CP của Chính phủ: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính

Số ký hiệu 68/2025/NĐ-CP
Ngày ban hành 18-03-2025
Ngày có hiệu lực 02-05-2025
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Lê Thành Long
Trích yếu Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính
Tài liệu đính kèm

(LSVN) – Ngày 18/3/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định 68/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 118/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Trong đó, khoản 5 Điều 1 Nghị định 68/2025/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung Điều 11 Nghị định 118/2021/NĐ-CP quy định về việc xử phạt hành chính trong hoạt động thanh tra.

Cụ thể, Trưởng đoàn Thanh tra chuyên ngành có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính thuộc phạm vi, nội dung cuộc thanh tra trong thời hạn thanh tra theo quy định của pháp luật về thanh tra.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trường hợp hết thời hạn thanh tra theo quy định của pháp luật về thanh tra mà chưa thể ra quyết định xử phạt vì lý do khách quan, thì phải chuyển vụ vi phạm đến người có thẩm quyền xử phạt.

Trường hợp quyết định về xử phạt vi phạm hành chính bị khiếu nại, thì việc giải quyết khiếu nại được thực hiện theo quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại trong hoạt động thanh tra.

Về thẩm quyền đính chính, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ quyết định của Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành, ban hành quyết định mới trong trường hợp đã hết thời hạn thanh tra được xác định theo thứ tự sau:

– Nếu Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính là người có thẩm quyền xử phạt theo quy định đối với vụ việc thì thẩm quyền vẫn thuộc về người đó;

– Nếu người đã ra quyết định thanh tra là người có thẩm quyền xử phạt theo quy định đối với vụ việc thì thẩm quyền thuộc về người đó;

– Nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a và b khoản này thì thẩm quyền thuộc về Chánh Thanh tra cấp có thẩm quyền xử phạt đối với vụ việc hoặc Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành có thẩm quyền xử phạt đối với vụ việc hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền xử phạt nơi xảy ra vi phạm.

Về thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành trong trường hợp đã hết thời hạn thanh tra được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định 68/2025/NĐ-CP.

Nghị định 68/2025/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 20/3/2025.

Trước đó, tại Điều 11 Nghị định 118/2021/NĐ-CP về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Trưởng đoàn Thanh tra chuyên ngành chỉ quy định, Trưởng đoàn Thanh tra chuyên ngành có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính thuộc phạm vi, nội dung cuộc thanh tra trong thời hạn thanh tra theo quy định của pháp luật về thanh tra.

Trường hợp hết thời hạn thanh tra theo quy định của pháp luật về thanh tra mà chưa thể ra quyết định xử phạt vì lý do khách quan, thì phải chuyển vụ vi phạm đến người có thẩm quyền xử phạt.

Trường hợp quyết định về xử phạt vi phạm hành chính bị khiếu nại, thì người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết hoặc chỉ đạo người đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính giải quyết theo quy định của pháp luật về khiếu nại.

Như vậy, có thể thấy tại Nghị định 68/2025/NĐ-CP mới này đã có những quy định chi tiết hơn đối với thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thanh tra so với các quy định cũ Nghị định 118/2021/NĐ-CP.

Link: Lĩnh vực, ngành: Vi phạm hành chính